Loading...
Skip to main content

PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN ĐƯỢC XÉT XỬ CÔNG BẰNG CỦA BỊ CÁO TẠI PHIÊN TÒA XÉT XỬ VỤ ÁN HÌNH SỰ Ở VIỆT NAM – THỰC TRẠNG VÀ KIẾN NGHỊ

(22/03/2022 10:47)

Quyền được xét xử công bằng của người bị buộc tội trong đó có bị cáo là một trong những quyền hiến định. Tuy nhiên, pháp luật về quyền được xét xử công bằng của bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự có những bất cập, hạn chế. Bài viết dưới đây phân tích thực trạng và đề xuất kiến nghị tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về quyền được xét xử công bằng của bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự ở Việt Nam hiện nay.

TS. Võ Quốc Tuấn*

(Bài viết đã được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 4/2022 của Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội)

1. Khái niệm, nội dung của pháp luật về quyền được xét xử công bằng của bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự

Quyền được xét xử công bằng của bị cáo trong hoạt động tố tụng hình sự nói chung và trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự nói riêng là sự cụ thể hóa các quyền cơ bản của con người, quyền công dân khi một người thực hiện hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật hình sự, đã bị Viện kiểm sát ra quyết định truy tố và Tòa án ra quyết định đưa vụ án hình sự ra xét xử1. Trong số các quyền của bị cáo được pháp luật ghi nhận, bảo vệ và bảo đảm thực hiện thì quyền được xét xử công bằng là một trong những quyền quan trọng, là phương tiện thực hiện các quyền khác của bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự.

Quyền được xét xử công bằng được ghi nhận trong các văn kiện pháp lý quốc tế. Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948 tại Điều 10 Tuyên ngôn quy định rằng mọi người đều được hưởng quyền bình đẳng hoàn toàn trong việc xem xét công khai và công bằng bởi một Toà án “có năng lực, độc lập và không thiên vị”2. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 quy định “mọi người đều có quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một toà án có thẩm quyền, độc lập, không thiên vị và được lập ra trên cơ sở pháp luật để quyết định về lời buộc tội người đó trong các vụ án hình sự, hoặc để xác định quyền và nghĩa vụ của người đó trong các vụ kiện dân sự” (Khoản 1 Điều 14). Quyền xét xử công bằng trở thành nguyên tắc được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Tuy chưa được giải thích rõ ràng nhưng xét xử công bằng được hiểu là “xét xử không thiên vị, tư thù, tư oán thì phán quyết của Tòa án mới được coi là nhân danh công lý”3. Đồng thời, mọi sự phân biệt đối xử, kỳ thị, thiếu khách quan, không vô tư của người tiến hành tố tụng được coi là những hành vi vi phạm pháp luật. Tại phiên tòa hình sự các thành viên của Hội đồng xét xử không được biểu hiện cảm tình hoặc có bất kỳ định kiến nào khác để làm sai lệch kết quả xét xử; không được phát biểu hay đưa ra bất cứ bình luận nào có thể làm ảnh hưởng tới vụ việc mình đang giải quyết.

Xét xử công bằng là một nguyên tắc mới trong pháp luật hình sự Việt Nam nhưng nội dung của nguyên tắc được thể hiện bởi nhiều nguyên tắc khác nhau4. Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định nhiều nguyên tắc trong hoạt động tố tụng đều chứa đựng tinh thần xét xử công bằng, bảo đảm quyền con người5. Như vậy, có thể khẳng định quyền được xét xử công bằng là một tập hợp các quyền vệ mặt tố tụng, bao gồm: quyền như quyền được bào chữa, được suy đoán vô tội, quyền được xét xử bởi một tòa án độc lập, công khai, quyền kháng cáo, quyền được bồi thường trong trường hợp xét xử oan sai, quyền không bị áp dụng các quy định pháp luật có hiệu lực hồi tố, quyền không bị xét xử hai lần về cùng một tội phạm… Trong Nhà nước pháp quyền, việc luật hóa mối quan hệ giữa bị cáo với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và các chủ thể khác thông qua việc quy định các quyền của bị cáo tại phiên tòa trong đó có quyền được đối xử công bằng là yêu cầu bắt buộc. Mặt khác, bảo đảm quyền được xét xử công bằng của bị cáo được coi là nguyên tắc hoạt động của các cơ quan tố tụng thì cần phải quy định nội dung quyền năng của bị cáo cũng như trách nhiệm của Nhà nước tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự.

Từ những phân tích trên có thể đi đến kết luận pháp luật về quyền được xét xử công bằng của bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự là tổng thể các quy phạm pháp luật có mối quan hệ chặt chẽ, thống nhất điều chỉnh quan hệ phát sinh giữa bị cáo và các cơ quan tiến hành tố tụng