Ngày 10/5/2022, Tòa án nhân dân huyện Vạn Ninh - tỉnh Khánh Hòa mở phiên tòa xét xử công khai vụ án hình sự sơ thẩm đối với bị cáo Ngô Trọng Nam bị Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vạn Ninh - tỉnh Khánh Hòa truy tố về tội “Trốn khỏi nơi giam” theo khoản 1 Điều 386 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Ngô Trọng Nam bị Tòa án nhân dân huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa tuyên phạt 30 (ba mươi) tháng tù giam về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm c, d khoản 2 Điều 109 Bộ luật Hình sự năm 1985 tại Bản án số 07/HSST ngày 11/4/2000, Nam bị tạm giam tại Nhà tạm giữ Công an huyện Vạn Ninh từ ngày 20/01/2000. Ngày 13/4/2000, khi đang bị tạm giam để đảm bảo thi hành án thì Nam bị đau bụng và khó thở nên Công an huyện Vạn Ninh đưa Nam đến Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh (cũ) thuộc Tổ dân phố 09, thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa điều trị dưới sự trông coi, quản lý của cán bộ Công an Nguyễn Văn Đờ (thuộc Công an huyện Vạn Ninh) và anh Nguyễn Văn Bền (là phạm nhân tự giác tại Nhà tạm giữ Công an huyện Vạn Ninh).
Khoảng 12 giờ 15 phút ngày 17/4/2000, khi đang nằm ngủ chung với Bền trên giường bệnh thì Nam lén lút trộm cắp chìa khóa còng đang móc trên đai nịt quần mà Bền đang mặc, rồi cất giấu. Đến khoảng 14 giờ 00 phút cùng ngày, lợi dụng lúc Bền đi ra ngoài ăn uống, còn Đờ thì đi vệ sinh, Nam sử dụng chìa khóa mở còng số 8 đang còng tay trái của Nam vào thanh sắt ở đầu giường rồi bỏ trốn ra thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định sinh sống. Sau đó Nam lập gia đình và đăng ký tạm trú tại tổ 20A, khu vực 02, phường Quang Trung, thành Phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định; đến ngày 20/12/2021, Nam bị Công an phường Quang Trung, thành phố Quy Nhơn bắt theo Quyết định truy nã số 14 ngày 20/4/2000 của Công an huyện Vạn Ninh.

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử sơ thẩm nhận định: Hành vi của bị cáo Ngô Trọng Nam là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến chế độ giam, giữ, cải tạo phạm nhân. Đồng thời xâm phạm đến hoạt động bình thường của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. Bị cáo là người có đầy đủ năng lực pháp luật và nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi phạm tội. Bị cáo tuy không có tiền án, tiền sự nhưng có nhân thân xấu, cụ thể: Ngày 19/8/1999 bị Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vạn Bình xử phạt vi phạm hành chính với hình thức “Cảnh cáo” về hành vi “Uống rượu say gây rối trật tự, đánh người, đập phá tài sản công dân” tại Quyết định số 45/QĐ-UB; Ngày 11/4/2000 bị Tòa án nhân dân huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa xử phạt 30 tháng từ giam về tội “Cố ý gây thương tích” tại Bản án số 07/HSST. Như vậy, dù đã nhiều lần bị xử lý nhưng bị cáo không lấy đó làm bài học, rút kinh nghiệm, sửa chữa sai phạm mà ngược lại vẫn tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội, thể hiện bị cáo là người không chịu tiếp thu cải tạo, coi thường kỷ cương pháp luật nên cần phải có mức hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo để răn đe, giáo dục đồng thời góp phần vào công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm chung.
Tuy nhiên, xét thấy tại phiên tòa cũng như trong quá trình điều tra, truy tố bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên cần áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự để giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.
Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử đã quyết định: Xử phạt bị cáo Ngô Trọng Nam 01 (một) năm tù về tội “Trốn khỏi nơi giam”. Tổng hợp với hình phạt 30 (ba mươi) tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích” tại bản án hình sự sơ thẩm số 07/HSST ngày 11/4/2000 của Tòa án nhân dân huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa bị cáo chưa chấp hành, thành hình phạt chung của hai bản án là 03 (ba) năm 06 (sáu) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày tạm giữ bị cáo là ngày 20/12/2021. Bị cáo được trừ thời gian bị cáo bị tạm giam của bản án trước từ ngày 20/01/2000 đến ngày 17/4/2000.
- Vi Nhật Hoàng đưa tin -