VBQPPL:
- BLHS (Điều 9)
- BLTTHS (các điều 268, 269, 270, 271, 272, 273, 274, 275 và 444)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Căn cứ vào Chương XXI và Điều 444 BLTTHS và tham khảo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BCA hướng dẫn về thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự để xác định vụ án có thuộc thẩm quyền của Toà án mình hay không.
• Xác định thẩm quyền xét xử của Toà án.
- Xác định thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện và TAQS khu vực (căn cứ vào khoản 1 Điều 268 BLTTHS);
- Xác định thẩm quyền xét xử của TAND cấp tỉnh và TAQS quân khu (căn cứ vào khoản 2 Điều 268 BLTTHS);
- Xác định tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng cần căn cứ vào khoản 1 Điều 9 BLHS. Cần chú ý căn cứ vào mức cao nhất của khung hình phạt theo tội danh và điều khoản bị can bị truy tố để xác định đó là loại tội phạm gì, cụ thể là:
+ Mức cao nhất của khung hình phạt là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ, hoặc phạt tù đến 03 năm tù là tội phạm ít nghiêm trọng;
+ Mức cao nhất của khung hình phạt từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù là tội phạm nghiêm trọng;
+ Mức cao nhất của khung hình phạt từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù là tội phạm rất nghiêm trọng;
+ Mức cao nhất của khung hình phạt từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Lưu ý: Vụ án có nhiều bị can bị truy tố theo nhiều điều khoản khác nhau thì căn cứ vào điều khoản có khung hình phạt cao nhất để xác định bị can phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng.
• Xác định thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ và thẩm quyền xét xử những tội phạm xảy ra trên tàu bay hoặc tàu biển của nước CHXHCN Việt Nam đang hoạt động ngoài không phận hoặc ngoài lãnh hải của Việt Nam.
- Trường hợp này cần căn cứ vào Điều 269 và Điều 270 BLTTHS. Thông thường việc xác định thẩm quyền theo lãnh thổ do VKS xác định khi quyết định truy tố;
- Xác định thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ vụ án hình sự về các tội phạm do pháp nhân thực hiện cần căn cứ vào Điều 444 BLTTHS;
- Do BLTTHS quy định thẩm quyền của Tòa án là nơi xảy ra tội phạm hoặc nơi kết thúc điều tra vụ án nên một số vụ án sẽ được xét xử tại Tòa án nơi CQĐT kết thúc việc điều tra vụ án.
• Xác định thẩm quyền xét xử của TAQS
- Xác định đối tượng thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS cần căn cứ vào Điều 272 và Điều 273 BLTTHS và tham khảo hướng dẫn tại Phần I Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BCA;
- Xác định thẩm quyền xét xử của TAQS cần căn cứ vào Điều 269, Điều 272 BLTTHS và tham khảo hướng dẫn tại Phần II Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BCA;
- Xác định thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAQS các cấp cần căn cứ vào Điều 268 BLTTHS và tham khảo hướng dẫn tại Phần III Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BCA.
• Kết quả của việc xác định thẩm quyền xét xử
- Nếu vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án mình thì tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung;
- Nếu vụ án không thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án mình thì căn cứ vào Điều 274 BLTTHS trả hồ sơ vụ án cho VKS đã truy tố để chuyển đến VKS có thẩm quyền;
- Nếu có tranh chấp về thẩm quyền xét xử thì căn cứ vào Điều 275 BLTTHS báo cáo Chánh án Toà án có thẩm quyền giải quyết xem xét, quyết định.