Loading...
Skip to main content

Lượt xem: 865
1.3.1. Hiểu và thực hiện quy định chung về thủ tục tố tụng tại phiên toà

VBQPL:

- BLTTHS (các điều 254, 258, 288, 289, 290, 291, 292, 293, 294, 423 và Chương XX)

- BLHS (Điều 21, khoản 2 Điều 123)

- Nghị quyết số 33/2021/QH15

- Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP (khoản 2 Điều 4, khoản 1 Điều 5, Điều 10)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

Cần hiểu và thực hiện đúng các quy định chung về thủ tục tố tụng tại phiên toà quy định tại Chương XX BLTTHS . Đặc biệt, cần chú ý các vấn đề sau đây:

  Thành phần HĐXX sơ thẩm quy định tại Điều 254 và Điều 423 BLTTHS . Đối với vụ án mà các bị cáo bị đưa ra xét xử về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là chung thân hoặc tử hình thì HĐXX bắt buộc gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm. Lưu ý là, có bị cáo bị truy tố ở khung hình phạt có mức cao nhất là chung thân hoặc tử hình, chứ không phải trong điều luật đó có quy định hình phạt cao nhất là tử hình. Ví dụ: nếu bị cáo bị truy tố theo khoản 2 Điều 123 BLHS thì thành phần HĐXX sơ thẩm gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm.

  Sự có mặt của thành viên HĐXX và Thư ký Tòa án được thực hiện theo quy định tại Điều 288 BLTTHS . Phiên toà chỉ được tiến hành khi có đủ thành viên HĐXX và Thư ký Tòa án. Các thành viên của HĐXX phải xét xử vụ án từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc.

Trường hợp không có Thẩm phán, Hội thẩm dự khuyết để thay thế hoặc phải thay đổi Chủ tọa phiên toà mà không có Thẩm phán để thay thế theo quy định tại khoản 2 Điều này thì phải hoãn phiên toà.

Trường hợp Thư ký Tòa án bị thay đổi hoặc không thể tiếp tục tham gia phiên tòa thì Tòa án vẫn có thể xét xử vụ án nếu có Thư ký Tòa án dự khuyết; nếu không có người thay thế thì tạm ngừng phiên tòa. Trường hợp phải thay đổi Thư ký Toà án tại phiên toà thì HĐXX ra quyết định tạm ngừng phiên toà. Thời hạn tạm ngừng phiên tòa không quá 05 ngày kể từ ngày quyết định tạm ngừng phiên tòa theo quy định tại Điều 251 BLTTHS .

  Đối với phiên tòa trực tuyến:

-  Tại điểm cầu trung tâm, thành phần tham gia bắt buộc gồm HĐXX, Thư ký phiên tòa, Kiểm sát viên được phân công giải quyết vụ án; đương sự, bị hại; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, bị hại, người tham gia tố tụng khác (nếu có) tham gia tại điểm cầu trung tâm nếu họ lựa chọn hoặc Tòa án triệu tập;

-  Đối với vụ án mà điểm cầu thành phần được đặt tại nơi đương sự hoặc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước lựa chọn được Tòa án chấp nhận thì thành phần tham gia gồm: người tham gia tố tụng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (nếu có);

-  Đối với vụ án có người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự thì họ tham gia phiên tòa tại một trong các điểm cầu mà Tòa án đã bố trí hoặc chấp nhận;

-  Trường hợp người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự không thể tham gia phiên tòa tại một trong các điểm cầu mà Tòa án đã bố trí hoặc chấp nhận thì phải có văn bản đề nghị Tòa án cho phép tham gia phiên tòa tại điểm cầu mình tự bố trí. Điểm cầu thành phần của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự phải bảo đảm theo quy định về kỹ thuật, công nghệ (khoản 2 Điều 4, khoản 1 Điều 5, Điều 10 Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP);

-  Người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự được quyền trao đổi với bị cáo, bị hại, đương sự khi được Chủ tọa phiên tòa đồng ý.

  Sự có mặt của bị cáo, của Kiểm sát viên và của những người tham gia tố tụng khác quy định tại các điều 289, 290, 291, 292, 293, 294 và 295 BLTTHS , khi có người vắng mặt, thì quyết định hoãn phiên toà hoặc vẫn tiến hành xét xử.

  Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức (Điều 21 BLHS) hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì HĐXX tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh. Đối với trường hợp có căn cứ cho rằng bị cáo không có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21 BLHS thì HĐXX hoãn phiên tòa; Thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định pháp y tâm thần và giải quyết theo Điều 451 BLTTHS .

  Nếu bị cáo trốn thì HĐXX tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu CQĐT truy nã bị cáo. Thẩm phán báo cáo đề nghị Chánh án, Phó Chánh án ra quyết định bắt tạm giam bị cáo chuyển CQĐT làm căn cứ truy nã.

  Việc giám sát bị cáo tại phiên toà quy định tại Điều 256 BLTTHS . Tại phiên tòa, bị cáo đang bị tạm giam chỉ được tiếp xúc với người bào chữa cho mình. Việc tiếp xúc với người khác phải được Chủ tọa phiên tòa cho phép.

  Giới hạn của việc xét xử quy định tại Điều 298 BLTTHS .

-  Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà VKS truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trong cáo trạng VKS có thể mô tả, đưa ra nhiều hành vi phạm tội của bị can, nhưng VKS kết luận truy tố những hành vi nào, theo tội danh nào thì Tòa án chỉ xét xử những hành vi đó, theo tội danh đó (Ví dụ: VKS mô tả bị can trộm cắp mười lần, nhưng kết luận chỉ đủ chứng cứ truy tố hai lần về tội trộm cắp, thì Tòa án chỉ xét xử hành vi trong hai lần đó theo tội trộm cắp). Nếu xét thấy điều tra chưa đầy đủ, có thể bỏ lọt người phạm tội hoặc bỏ lọt tội phạm thì trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

-  Toà án có thể xét xử:

+  Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà VKS đã truy tố;

+  Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh VKS truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để VKS truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu VKS vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.

  Trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử Tòa án phải ghi rõ tội danh, điều, khoản của BLHS mà VKS truy tố và tội danh, điều, khoản của BLHS mà Tòa án sẽ xét xử.

  Nếu xét thấy có thể xét xử bị cáo theo một trong các trường hợp trên đây, cần tuân thủ quy định của BLTTHS về thẩm quyền xét xử của Toà án các cấp, về thành phần HĐXX và về việc bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo.

  Cần thực hiện đầy đủ những yêu cầu đối với biên bản phiên toà quy định tại Điều 258 BLTTHS .

  Đối với phiên tòa trực tuyến, biên bản phiên tòa tuân thủ biểu mẫu theo quy định của pháp luật tố tụng. Ghi rõ phiên tòa diễn ra tại các điểm cầu nào; ghi rõ họ, tên Kiểm sát viên, công chức Tòa án, VKS hoặc cán bộ, chiến sỹ thuộc cơ sở giam giữ, tại điểm cầu thành phần.

  Trường hợp có người tham gia tố tụng đề nghị được xem biên bản phiên tòa thì Thư ký phiên tòa trình chiếu biên bản phiên tòa cho người đề nghị và thực hiện các thủ tục khác có liên quan (nếu có) theo quy định của pháp luật về tố tụng.

Cập nhật lần cuối: 31/03/2023 00:00:00

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM - SỔ TAY THẨM PHÁN

Truy cập trong ngày:

Tổng số lượng truy cập:

Địa chỉ: 48 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: 04.39363528 • Fax : 04.39363528
Email: banbientap@toaan.gov.vn, sotaythuky@toaan.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Ngô Tiến Hùng - Chánh Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao.

Giấy phép cung cấp thông tin trên Internet số 184/GP-TTĐT của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử TANDTC (www.toaan.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này.
Bản quyền thuộc Tòa án nhân dân tối cao.

ácdscv