Loading...
Skip to main content
GIỚI THIỆU TRANG TIN TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VÀ TƯ PHÁP QUỐC TẾ

GIỚI THIỆU TRANG TIN TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VÀ TƯ PHÁP QUỐC TẾ

img

Từ trước tới nay, trong quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực cũng như các nước khác trên thế giới thì hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù là những lĩnh vực hợp tác được Việt Nam và các nước đối tác hết sức coi trọng và triển khai nhiều phương thức để thúc đẩy phát triển. Hoạt động hợp tác này được xác định sự tất yếu, hết sức cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, với hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, hội nhập trên các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế.

Thời gian tới, hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế lớn, nhưng xung đột tôn giáo, sắc tộc, tranh chấp tài nguyên và lãnh thổ, biển đảo, bạo loạn, khủng bố diễn biến phức tạp. Toàn cầu hóa tiếp tục phát triển sâu rộng trên mọi lĩnh vực; kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức. Mức độ tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước ngày một gia tăng. Các cơ chế đa phương, các tổ chức quốc tế có vai trò ngày càng quan trọng trong mọi mặt của đời sống nhân loại. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương phát triển năng động, đang trở thành trung tâm phát triển của thế giới. Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã phát triển và mở rộng thành một cộng đồng gồm mười thành viên, hướng tới mục tiêu đoàn kết tất cả các quốc gia ở Đông Nam Á.

Thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, hệ thống pháp luật Việt Nam ngày càng được hoàn thiện. Trong lĩnh vực tương trợ tư pháp, Việt Nam đã ban hành Luật tương trợ tư pháp năm 2007 cùng các văn bản luật liên quan về thẩm quyền của Tòa án đối với vụ việc dân sự, vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài như: Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự. Cùng với đó, Việt Nam đã ký và trở thành thành viên của 44 Hiệp định tương trợ tư pháp song phương về dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành phạt tù với nước ngoài; nhiều điều ước quốc tế đa phương, bao gồm: Công ước tống đạt giấy tờ ra nước ngoài, Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, các công ước về phòng, chống khủng bố, bắt cóc con tin, buôn bán người.

Theo quy định của Luật tương trợ tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền yêu cầu ủy thác ra nước ngoài và thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp của nước ngoài về dân sự, hình sự, xem xét yêu cầu dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù. Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ hướng dẫn Tòa án nhân dân các cấp thực hiện tương trợ tư pháp; phối hợp với các cơ quan trung ương khác như: Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế; đóng góp ý kiến, đàm phán, ký kết, gia nhập điều ước quốc tế trong lĩnh vực này.

Để tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự, xem xét yêu cầu dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao thiết lập Trang thông tin điện tử về tương trợ tư pháp trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao. Trang thông tin điện tử về tương trợ tư pháp được xây dựng bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh với nhiều chuyên mục khác nhau, trong đó có các chuyên mục đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật trong nước, điều ước quốc tế song phương, đa phương theo từng lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự; dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Với trang thông tin điện tử này, Tòa án các cấp, người dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị có quan tâm đều có thể truy cập miễn phí khi muốn tìm hiểu quy định của pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để nâng cao nhận thức, phục vụ nhu cầu công tác, học tập của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị mình

Đồng thời, việc thiết lập Trang thông tin tương trợ tư pháp cũng là một trong những phương thức hiệu quả để Tòa án nhân dân tối cao đăng tải, truyền đạt kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cho Tòa án các cấp áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Từ đó, tạo cơ sở vững chắc để các Tòa án thực hiện công tác tương trợ tư pháp ngày càng nền nếp, có chất lượng, hiệu quả hơn; góp phần quan trọng cho việc giải quyết tốt các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động có yếu tố nước ngoài cũng như thực hiện có trách nhiệm, chất lượng các yêu cầu ủy thác tư pháp của nước ngoài về dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù./.

BAN BIÊN TẬP

TRANG THÔNG TIN TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP

img

Trang thông tin điện tử tương trợ tư pháp

VỤ HỢP TÁC QUỐC TẾ, TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Truy cập trong ngày:

Tổng số lượt truy cập:

Địa chỉ: 262 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội
Cán bộ phụ trách: Lê Mạnh Hùng - Chức vụ: Phó Vụ trưởng
Điện thoại: +84.24.376.230.36; 0976437814
Email: phapluatquocte@toaan.gov.vn

© Bản quyền thuộc về Tòa án nhân dân tối cao.
Đề nghị ghi rõ nguồn (Trang TTĐT Tương trợ tư pháp - Vụ Hợp tác quốc tế Tòa án nhân dân tối cao) khi đăng tải lại các thông tin, nội dung từ tttp.toaan.gov.vn.

ácdscv